Dược Mỹ phẩm - Mỹ phẩm chuyên nghiệpThực phẩm chức năng - Collagen uốngThiết bị Thẩm mỹ, Y khoaFlash sale KGB storePhụ tùng - vật tư thẩm mỹ - y khoaThiết bị Y KhoaThiết bị chăm sóc tại nhà

Mỹ phẩm giả - khi cái đẹp bị xúc phạm

Mỹ phẩm là một thứ hàng hóa đặc biệt, phục vụ cho mục đích làm đẹp của con người. Nhưng trong thời gian gần đây, các cơ quan quản lý đã liên tục phát hiện ra những vụ sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm giả với số lượng lớn. Sự thật đó cũng mới chỉ là phần nổi của tảng băng mà thôi. Một cơn lốc mỹ phẩm giả đang bùng phát và tràn ngập thị trường.

Lần theo dấu vết hàng giả
Dân trong nghề buôn mỹ phẩm vẫn thường ghé tai nhau rằng, ở Sài Gòn có chợ Kim Biên, còn Hà Nội có chợ Đồng Xuân, đó là những “thánh địa” của mỹ phẩm giả, nhái; đến đó muốn mua hàng gì cũng có. Nhưng đâu chỉ có vậy, bây giờ khi đến các Hội chợ, triển lãm bạn có thể dễ dàng tìm thấy những gian hàng nhỏ không tên, không biển cũng bày bán mỹ phẩm la liệt. Những thỏi son môi, phấn má, sơn móng tay đủ màu sắc, chủng loại đựng trong chiếc rá nhựa. Chúng được xếp cùng những rá hàng “thập cẩm” khác như móc khóa, băng đĩa... Người mua cứ việc bới tung cả rá hàng mỹ phẩm để lựa chọn và thử thoải mái. Loại nào cũng có giá chỉ từ 20.000-50.000 đồng. Kiểu bán mỹ phẩm như bán rau này cũng thường thấy tại các “shop vỉa hè” vào buổi tối, nhất là cạnh các trường đại học. Đoạn phố Nguyễn Chí Thanh, Xuân Thủy, Nguyễn Quý Đức là những địa chỉ quen thuộc của cánh sinh viên nữ thích làm dáng. Điều đặc biệt là người bán cũng thường là sinh viên tranh thủ làm thêm để tăng thu nhập. T.H – chủ sạp mỹ phẩm dạo ở đường Nguyễn Quý Đức cho biết: “Bọn em – có mối hàng ở chợ Đồng Xuân. Một thỏi son Lipice 60 nghìn đồng, phấn Revlon 10 nghìn, mascara Essance 16 nghìn... Nói chung là giá mềm nên bán khá chạy. Chị tính, chỉ mất vài chục nghìn mà dùng cả năm ai chẳng thích”. Một cô sinh viên trẻ đang ngắm nghía thỏi son Kissme vừa mua với giá 7.000 đồng có vẻ rất mãn nguyện.
Những loại mỹ phẩm càng nổi tiếng thì càng bị làm giả nhiều. Đó là nhận xét của chị Hường – nhân viên cửa hàng Shiseido ở phố Cửa Đông. Khi bạn đã dạo qua rất nhiều cửa hàng và tìm mua được một hộp phấn Lancome giá 40 nghìn hay thỏi son Shiseido giá 90 nghìn thì cũng đừng vội vàng tưởng mình mua được hàng rẻ. Và khi một cô bán hàng xinh đẹp nào đó thủ thỉ rằng, hàng này là loại “xách tay” nên giá mềm hơn thì cũng hãy cảnh giác. Không chỉ mỹ phẩm bán dạo, bán đống nơi vỉa hè mới là hàng kém chất lượng mà ngay những cửa hàng lớn ở chợ Hôm, Đồng Xuân, Gia Ngư, phố Hàng Ngang, Hàng Đào, mỹ phẩm dởm cũng xuất hiện rất nhiều. Có nơi còn phân ra hàng loại 1 (của công ty xịn) và loại 2 (hàng lậu Trung Quốc không có tem nhập khẩu), nhưng tất cả đều mang những nhãn hiệu nổi tiếng như Dior, Nivea, Essance... Khách hàng như rơi vào một ma trận khôn lường của thật và giả.
Mới đây, cơ quan quản lý thị trường ở Hà Nội, TP.HCM, Long An đã bắt giữ một lượng lớn mỹ phẩm giả, kém chất lượng. Trong đó, có loại đã nhập khẩu từ cách đây... 5 năm, có loại được đóng trong bao bì có tem chống giả, tem nhập khẩu hẳn hoi, nhưng tất cả đều là tem giả. Nếu không bị phát hiện, các loại mỹ phẩm nguy hại này sẽ đến tay người tiêu dùng với giá “hàng hiệu”. Đó là cách kinh doanh đem lại siêu lợi nhuận còn hơn cả việc bán mỹ phẩm đại trà, giá rẻ.

Hậu quả khôn lường
Chỉ đến khi những vụ làm mỹ phẩm giả bị lôi ra ánh sáng thì người tiêu dùng mới bàng hoàng về sự thật của những thứ vật phẩm chăm sóc sắc đẹp đó. Một loạt các sản phẩm nổi tiếng của Pháp, Nhật, Hàn Quốc được một “lò” mỹ phẩm ở đường Hoàng Văn Thụ (Hà Nội) “chế biến” với công thức gồm vitamin B1, PP, vitamin B12 và Halog. Dụng cụ để pha chế mỹ phẩm cũng chỉ giản đơn như... làm bánh vậy: bàn xay, chậu nhựa, xoong nhôm để trộn nguyên liệu, các loại nhãn mác, vỏ hộp cũ. Vậy mà không biết đã có bao nhiêu chị em bôi những thứ mỹ phẩm kinh dị đó lên cơ thể, khi biết điều này, hẳn họ sẽ giật mình.
Trong giới trẻ gần đây đang rộ lên tin đồn về một loại thuốc gia truyền chữa mụn trứng cá, tàn nhang, giảm nếp nhăn tên là Bảo Lâm. Đây là thứ kem lỏng màu vàng, theo lời quảng cáo trên nhãn là chứa nhân sâm và vitamin thảo dược để dưỡng da, trị mụn. Bước đầu, chỉ là thông tin truyền miệng, các cô cậu học sinh, sinh viên ở Hải Phòng (nơi sản xuất, khu Bảo Lâm) mua hộ bạn bè dùng thử. Sau đó, nhiều cửa hàng mỹ phẩm Bạch Mai, Khâm Thiên đã nhập về và bán rất chạy. Tuy nhiên, Cục Quản lý Dược vừa khẳng định, kem Bảo Lâm chứa chất Pexamenthason acetat đã bị cấm sử dụng trong sản xuất mỹ phẩm, vì có thể gây tai biến nghiêm trọng cho da như viêm nhiễm, dị ứng, mẩn ngứa. Đây cũng là tình trạng chung của các loại kem dưỡng da kém chất lượng trên thị trường hiện nay. Khi mới dùng sẽ có tác dụng lột nhẹ làm trắng da, nhưng dùng lâu, lớp bảo vệ da bị mất, da non không chịu được tác động của nắng gió sẽ sinh mụn và nhiễm trùng. Vì lý do đó, cơ sở Bảo Lâm đã ngừng sản xuất mặt hàng này. Số hàng còn tồn lại đã được thay đổi mẫu tem chống giả. Vậy mà, trong một lần tình cờ chúng tôi đã bắt gặp một tấm bìa các tông ở gốc cây xà cừ trên đường Bà Triệu ghi hai chữ đơn giản: Bảo Lâm. Tò mò vào hỏi thử, hóa ra bên trong ngôi nhà đang bán rất nhiều sản phẩm kem Bảo Lâm. Chỉ có điều, mọi việc đều diễn ra rất kín đáo, chỉ khách quen mới phát hiện ra tấm biển đầy “ẩn ý” trước cửa. Khi gặp chúng tôi, cô chủ hàng chừng ngoài 30 tuổi nhìn một lượt từ đầu đến chân đầy dò xét: “Em mới dùng lần đầu hả, ai giới thiệu mà lại biết chỗ này?”. Tôi đánh liều: “Có đứa bạn ở Hải Phòng chỉ chỗ”. Sau một hồi “diễn thuyết” về tác dụng thần kỳ của loại kem này, cô chủ tiếp thị luôn: “Em mua vài hộp về dùng thử, hết lại đến, có bạn nào bị mụn hay tàn nhang cứ bảo qua đây nhé”. Cầm hộp kem trên tay, tôi ra về mà không hiểu phải làm gì với thứ mỹ phẩm ẩn chứa đầy hiểm họa này.

Thay cho lời kết
Bác sỹ Lê Thu Hà - Bệnh viện Da liễu Trung ương cho biết, các loại mỹ phẩm giả thường chứa axit salicylic, carticoid và màu công nghiệp. Sau khi dùng vài lần sẽ gây cảm giác bỏng rát, nổi mụn nhọt, viêm nhiễm. Người tiêu dùng cần phân biệt mỹ phẩm không thích hợp cho da với phản ứng gây hại của những mỹ phẩm giả. Các loại nước hoa giả khi dùng sẽ để lại vết ố vàng trên quần áo và thay đổi mùi hương theo nhiệt độ môi trường. Son giả thường không thơm, đánh lên môi không mịn, có hạt như hạt bột, còn để nhận biết phấn giả thì phải dùng quen, từ đó nhận ra mùi thơm và màu sắc đặc trưng của chúng

Xuân Khánh (theo Ykhoa.net)